Trẻ em mắc chứng ADHD không thể kiểm soát tốt hành vi, trẻ cảm thấy khó khăn để áp xuống những xung động, nghĩa là trẻ sẽ không dừng lại để xem xét tình huống, hay hậu quả trước khi trẻ hành động. Nếu bạn đang chăm sóc một trẻ ADHD, hãy xem xét những vấn đề sau:
- Dinh dưỡng: trẻ cần được ăn uống đầy đủ lành mạnh và cân bằng, không cắt giảm thức ăn nào. Một vài nghiên cứu cho thấy bổ sung Omega 3 và Omega 6 có thể có lợi cho trẻ ADHD mặc dù bằng chứng ủng hộ không nhiều. Cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, và đạm ít béo (thịt nạc). Tránh thức ăn có caffein.
- Tập thể thao: tập thể thao sẽ giúp trẻ kiểm soát tính xung động và những vấn đề hành vi khác của trẻ tăng động. Chơi thể thao không chỉ giúp trẻ vận động còn giúp trẻ học được những kỹ năng khác như làm thế nào để tuân thủ luật chơi và chờ tới lượt. Chơi thể thao có thể giúp trẻ giải tỏa và cải thiện giấc ngủ. Chú ý không làm hoạt động quá mạnh vào buổi tối lúc gần đi ngủ
- Hạn chế các thiết bị điện tử
- Giấc ngủ: ngủ đủ giấc và ngủ tốt vào ban đêm Giúp trẻ đi ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ mỗi ngày, tránh hoạt động quá kích thích trước giờ ngủ như xem tivi, chơi trò chơi máy tính. Rối loạn giấc ngủ có thể là một vòng luẩn quẩn, trẻ có ADHD thường rối loạn giấc ngủ và trẻ có rối loạn giấc ngủ sẽ trở nên tăng động hơn,
- Lên kế hoạch cho mỗi ngày:
Thiết lập kế hoạch hàng ngày rõ ràng và đơn giản làm giảm thiểu tối đa việc lơ là. Sắp xếp trật tự mọi đồ dùng mỗi ngày, trẻ cần đặt vật dụng mọi thứ đúng chỗ, bao gồm quần áo, túi xách, dụng cụ học tập… Hãy sử dụng sổ ghi chú, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ cần ghi chú lại nhiệm vụ và đem những sách cần thiết về nhà Một bảng kiểm là cần thiết để đảm bảo trẻ đem đầy đủ sách, hộp cơm, túi xách, áo khoác về nhà mỗi ngày.
Thiết lập một hệ thống nhắc nhở để giúp trẻ hoàn thành lịch trình và nhớ những mục tiêu trẻ cần hoàn thành. Đảm bảo lịch trình bao gồm bài tập về nhà và cả thời gian chơi. Trẻ có thể sẽ có lợi nếu có một bảng thời gian biểu ghi chú lịch trình và bạn sẽ cùng xem thường xuyên với trẻ.
Giữ một thói quen hàng ngày của cả gia đình đúng giờ như cùng thức dậy, cùng ăn, đi ngủ cùng một giờ.
Lên kế hoạch chi tiết để trẻ biết mong đợi điều gì. Ví dụ trẻ cần phải chuẩn bị đến trường, bạn sẽ chia nhỏ việc chuẩn bị này ra thành nhiều bước nhỏ để trẻ biết chính xác mình cần làm gì. Hãy cho những hướng dẫn đơn giản và dễ hiểu như: “con hãy đánh răng và sau đó thay quần áo đi”, thay vì chỉ nói “hãy chuẩn bị đi học”.
Đơn giản hóa căn phòng của trẻ để tránh sao lãng và học cách tổ chức.
- Hãy tích cực:
Cho những lời khen cụ thể, thay vì bạn nói “cám ơn con vì đã làm như vậy” thì hãy nói: “con rửa chén tốt lắm, cám ơn”. Điều này sẽ giúp trẻ biết rõ bạn đang hài lòng và hài lòng với điều gì.
Xây dựng lòng tự trọng của trẻ bằng khẳng định và khen thưởng những hành vi tích cực, ủng hộ những hoạt động mà trẻ giỏi như thể thao, sở thích, học nhạc… Đối với trẻ lớn, bạn cần nói cho trẻ biết trách nhiệm của trẻ mỗi ngày, trè cần phụ giúp việc gì trong nhà, nấu hay hay giặt đồ hay thanh toán hóa đơn như thế nào.
Hãy thúc đẩy lòng tự trọng của trẻ, bởi vì trẻ gặp khó khăn trong xử lý những hướng dẫn và thông tin, dẫn đến trẻ bị tấn công dồn dập bởi những thứ cần chỉnh sửa, dẫn đến trẻ đánh giá thấp bản thân mình. Hãy thúc đẩy sự tự tin của trẻ bằng mọi cách.
- Biểu mẫu khích lệ:
Hãy thiết lập biểu mẫu khích lệ bằng cách sử dụng điểm hay sơ đồ ngôi sao, mà mỗi hành vi tốt sẽ nhận được 1 quyền lợi. Ví dụ một chuyến đi mua đồ trong siêu thị hoàn thành tốt sẽ giúp trẻ được chơi một loại trò chơi yêu thích hay xem tivi một chút. Tùy theo đứa trẻ sẽ chọn quyền lợi gì mà trẻ được hưởng. Những biểu đồ này cần được thay đổi thường xuyên để trẻ bớt nhàm chán. Mục tiêu có thể nhanh ví dụ mỗi ngày, hoặc trung bình ví dụ mỗi tuần 1 lần hay lâu dài: mỗi 3 tháng. Chú ý chỉ tập trung vào 1 hoặc 2 hành vi cho mỗi lần.
- Thiết lập ranh giới rõ ràng
Đảm bảo mỗi thành viên trong nhà biết được hành vi nào được mong đợi và củng cố hành vi đó bằng một lời khen hay phần thưởng ngay lập tức. Ngược lại, khi trẻ đi quá giới hạn, bạn cần phải áp dụng biện pháp có hiệu lực ngay, ví dụ tước đi quyền lợi, và tuân thủ điều này một cách hằng định. Hãy trung thành với những nguyên tắc và đảm bảo những người khác cũng tuân thủ nguyên tắc giống bạn (điều này cực kỳ dễ thất bại trong các gia đình trẻ hiện nay, ba nghiêm khắc còn mẹ chiều chuộng, hoặc ông bà chiều chuộng cháu). Nếu trẻ đã lớn một chút, bạn có thể nêu ra hậu quả của những hành vi xấu.
Tập trung vào đứa trẻ khi bạn nói chuyện với chúng, hãy bình tĩnh nếu có phạt trẻ.
Hãy làm gương tốt về tính bình tĩnh và tập trung, trẻ có thể không thể hiện ra nhưng những hoạt động của người lớn trong cuộc sống ảnh hưởng rất nhiều và rất quan trọng đối với trẻ.
- Can thiệp sớm
Khi trẻ có biểu hiện cáu gắt, kích thích quá mức, hay mất kiểm soát, hãy cho trẻ đi can thiệp
- Tình huống xã hội:
Giữ các tình huống giao tiếp ngắn và vui vẻ. Mời vài bạn chơi cùng nhưng chỉ chơi trò chơi trong khoản thời gian ngắn trước khi trẻ mất kiểm soát. Đừng làm điều này khi trẻ đang mệt và đói ví dụ sau khi đi học về. Can thiệp vào các hoạt động của trẻ cùng với bạn bè, chọn những hoạt động trẻ đặc biệt giỏi và thích chơi để giúp trẻ tự tin và tập trung vào kết bạn với nhiều bạn bè hơn. Khuyến khích những tương tác xã hội nếu trẻ rụt rè hay quá nhút nhát. Không cần quá rộng, trẻ không cần phải làm quen với phần lớn các bạn trong lớp, một hay hai bạn thân là đủ. Hỏi giáo viên về diễn biến trong lớp học, nói chuyện với giáo viên cùng người hướng dẫn để xóa bỏ mọi xung đột có thể xuất hiện trong quá trình kết bạn. Trẻ mắc ADHD có thể là mục tiêu bị bắt nạt, hãy chuẩn bị trước cho điều đó. Hãy nói với trẻ những gì cần làm khi trẻ bị bắt nạt hay bị chọc ghẹo. Hãy đảm bảo rằng trẻ sẵn sàng nói với bạn về điều này (mà không bị bạn dọa cho sợ không dám nói).
Giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của những mối quan hệ lành mạnh với bạn bè đồng trang lứa. Thiết lập những mục tiêu hành vi xã hội với trẻ và cho phần thưởng. Trước khi trẻ tham dự một sự kiện gì, hãy mói với trẻ những gì mong đợi xảy ra ở đó, và những gì người khác mong đợi ở trẻ.
Nói chuyện với giáo viên về chương trình giáo dục đặc biệt hoặc kết hợp và để đảm bảo trẻ hoàn thành nhiệm vụ ở trường
- Một số lưu ý ở trẻ lớn:
ADHD có làm tăng nguy cơ tai nạn xe cộ và nghiện rượu không? Câu trả lời là có, trẻ tăng động có thể nóng tính, tìm kiếm những điều chấn động, chưa trưởng thành về khả năng ra quyết định… và tất cả những điều này ảnh hưởng đến nguy cơ cao tai nạn xe và các loại chấn thương khác. Trẻ cũng có nguy cơ nghiện rượu, nghiện thuốc lá cao hơn
Nghiên cứu cho thấy trẻ ADHD có nguy cơ cao gấp 2 lần về lạm dụng rượu và cao gấp 3 lần nghiện thuốc phiện, cần sa. Hãy thảo luận với con bạn về những vấn đề này trong việc điều trị chung tăng động giảm chú ý. Bạn có trách nhiệm tạo ra những quy tắc và mong đợi cho những hành vi an toàn.
Một phần của điều trị giúp trẻ trở thành người trưởng thành độc lập thì phải đối xử với trẻ như một người trưởng thành thực sự, giống như không mắc ADHD, đừng cằn nhằn và yêu cầu trẻ phải làm gì mà hãy tôn trọng sự riêng tư và mong muốn của trẻ khi trẻ không muốn chúng ta giúp đỡ. Bạn cũng có thể thực hiện một số hành động để cho thấy bạn tôn trọng trẻ như mời trẻ ra ngoài ăn tối thay vì đột ngột đến đón trẻ đi mà không báo trước. Bạn chỉ cần cho trẻ thấy bạn luôn sẵn sàng khi trẻ cần bạn, ví dụ trẻ có thể nhờ bạn nhắc trẻ đến hạn nộp bài tập hay đến hạn bảo dưỡng xe, chích ngừa cho chó mèo… nhưng hãy đảm bảo rằng trẻ chủ động nhờ
BSCKI Lê Ngọc Hồng Hạnh- dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn
Hình ảnh: sưu tầm.
Nếu quý phụ huynh thấy con/em mình có biểu hiện nghi ngờ, mời quý phụ huynh đăng ký khám với BSCKI Lê Ngọc Hồng Hạnh thông qua Youmed để được tư vấn trực tiếp và đầy đủ