Bạn đã nghe đến hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em bao giờ chưa? Bạn có nghe giáo viên nhắc đến một đứa trẻ là quậy phá, hay leo trèo, thiếu kỷ luật, chọc phá bạn bè, lơ là, không chịu ngồi yên học bài, hay cha mẹ mệt mỏi vì trẻ liên tục làm mất sách vở, đồ dùng học tập, và được mời họp phụ huynh nhiều lần? Trẻ có khi nói rất nhiều, hay nói leo và không thể đợi đến lượt mình. Đây là một vài triệu chứng tiêu biểu của chứng “tăng động giảm chú ý”- rối loạn tâm thần kinh thường gặp nhất ở trẻ từ 2 đến 17 tuổi.
ADHD ảnh hưởng khả năng tập trung làm cho trẻ gặp vấn đề ở trường học, trình độ học có thể bị sụt giảm, đặc biệt là trẻ chưa được điều trị. Trẻ mắc ADHD sẽ quên mất nhiệm vụ được giao, bị mất đồ, mất sách, và mệt mỏi với việc học ở trên lớp. Trẻ có thẻ gặp khó khăn trong chơi chung với bạn bè hoặc trở thành đối tượng bị bắt nạt, bị xa lánh.
ADHD không thể tự hết và theo thời gian, trẻ có thể gặp khó khăn trong cuộc sống.
1. Những tình trạng thường đi kèm ở trẻ em mắc chứng ADHD
- Rối loạn lo âu: lo lắng, căng thẳng trong phần lớn thời gian, biểu hiện bằng nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi và chóng mặt.
- Rối loạn thách thức chống đối
- Rối loạn hành vi: xu hướng hành vi chống đối xã hội như trộm cắp, đánh nhau, gây hại cho người và động vật, phá hoại.
- Trầm cảm
- Rối loạn giấc ngủ: khó vào giấc ngủ.
- Rối loạn phổ tự kỷ: ảnh hưởng tương tác xã hội, giao tiếp, sở thích và hành vi.
- Động kinh
- Hội chứng Tourette: tình trạng kết hợp giữa âm thanh và cử động không chủ ý.
- Khó khăn trong học tập, ví dụ chứng khó đọc.
- Nhóm nguy cơ: trẻ sinh non dưới 37 tuần tuổi, sinh nhẹ cân, trẻ có động kinh, trẻ có tổn thương não xuất hiện lúc sinh hoặc một chấn thương đầu nặng sau đó.
2. Chẩn đoán trẻ ADHD khi
Có 2 nhóm triệu chứng chính là (1) tăng động-xung động và (2) giảm chú ý. Khi trẻ có trên 6 triệu chứng trong mỗi nhóm của một hoặc cả 2 nhóm và:
- Có triệu chứng liên tục trong vòng 6 tháng.
- Bắt đầu triệu chứng trước 12 tuổi.
- Có triệu chứng ở ít nhất 2 môi trường khác nhau ví dụ ở trường và ở nhà.
- Triệu chứng làm cuộc sống gặp khó khăn hơn trong giao tiếp xã hội, trường học và công việc sau này.
- Không được giải thích bằng một tình trạng bệnh lý khác như rối loạn phát triển, tâm lý.
3. Điều trị
Điều trị ADHD lý tưởng là kết hợp thuốc và liệu pháp hành vi. Chăm sóc trẻ mắc chứng ADHD có thể là một thử thách khó khăn, điều quan trọng cần nhớ là trẻ tăng động kém chú ý không có khả năng kiểm soát hành vi.
Giáo dục tâm lý
- Liệu pháp hành vi: cung cấp phương tiện hỗ trợ, khuyến khích trẻ kiểm soát hành vi. Nếu con bạn mắc ADHD, bạn có thể xác định loại hành vi bạn muốn khuyến khích như ngồi yên tại bàn lúc ăn cơm. Con bạn được tặng vài món quà nhỏ cho hành vi tốt và bị tước quyền lợi cho hành vi xấu. Đối với giáo viên, liệu pháp hành vi bao gồm học cách lên kế hoạch và cấu trúc các hoạt động, khen và khuyến khích trẻ cho những tiến bộ dù là nhỏ nhất.
- Chương trình giáo dục cho cha mẹ: giúp cha mẹ học cách nói chuyện, chơi cùng và làm việc cùng trè. Tham dự các lớp học giáo dục cho cha mẹ không có nghĩa là bạn làm cha mẹ không tốt, mà mục đích của khóa học là giúp cha mẹ kiểm soát hành vi, tăng sự tự tin vào khả năng có thể giúp trè và cài thiện mối quan hệ của bạn.
- Luyện tập kỹ năng xã hội: Bao gồm tham gia đóng vai tình huống, và học được hành vi của mình ảnh hưởng người khác như thế nào.
- Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp nói chuyện giúp kiểm soát vấn đề thông qua thay đổi suy nghĩ và hành vi của bạn. Chuyên gia sẽ giúp trẻ càm giác về tình huống của mình, điều này sẽ là tiềm năng thúc đẩy thay đổi hành vi.
Trong phần 2, tác giả sẽ đề cấp đến một số nguyên tắc mà phụ huynh cần lưu ý khi sống chung với trẻ ADHD.
Nếu quý phụ huynh thấy con/em mình có biểu hiện nghi ngờ, mời quý phụ huynh đăng ký khám với BSCKI Lê Ngọc Hồng Hạnh thông qua Youmed để được tư vấn trực tiếp và đầy đủ.
Tác giả: BsCK1 Lê Ngọc Hồng Hạnh – Dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu