Tất cả chúng ta đã và sẽ bị đau đầu ít nhất 1 lần trong đời. Vậy hãy cùng tìm hiểu một chút vấn đề thường gặp này nha. Đau đầu không chỉ xảy ra ở người trưởng thành mà trẻ em cũng đến khám vì đau đầu ngày càng tăng. Có lẽ là do môi trường sống nhiều căng thẳng, áp lực, chế độ sinh hoạt ngày càng thụ động như xem tivi điện tử nhiều, học hành nhiều, ít vận động …
Mặc dù đau đầu trong thời gian dài, cơn đau có thể dữ dội và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày nhưng khi đến khám, phụ huynh và bệnh nhân đều khá lúng túng khi mô tả cơn đau và tần suất xuất hiện cơn. Vì vậy, để có thể cung cấp thông tin chính xác giúp nhanh chóng chẩn đoán đúng và điều trị, bạn cần để ý hoặc ghi chú lại trước khi khám nhé:
- Đau đầu từ khi nào? Mới bị hay đã bị nhiều lần?
- Có chấn thương trước đó hay không?
- Lúc đau đầu bạn đang làm gì? Đang học, đang chơi, lúc ngủ, lúc ngủ dậy, lúc gắng sức…
- Cảm giác đau đầu như thế nào? Âm ỉ, dữ dội, đau nhói, co thắt, cảm giác như búa đập? Đau ở trán hay đỉnh đầu hay sau gáy…? Đau kéo dài bao nhiêu lâu? Có khi vài phút, có khi vài ngày.
- Bạn đã từng bị đau như vậy bao giờ chưa? Có thay đổi tính chất đau so với những lần trước hay không?
- Có dấu hiệu đi cùng với đau đầu không? Mờ mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn, yếu tay chân, co giật, sốt… tăng khi nghe tiếng ồn, thấy ánh sáng chói, giảm khi nghỉ ngơi…
- Bạn đang có bệnh nền gì khác không? Ví dụ người lớn có tăng huyết áp, đái tháo đường…trẻ nhỏ có thể có não úng thủy, viêm mũi xoang…
Các triệu chứng báo động:
- Đột ngột khi gắng sức
- Yếu liệt tay chân
- Tuổi: trẻ dưới 6 tuổi và người trên 50 tuổi.
- Ngày càng tăng dần
- Cường độ dữ dội
- Co giật
- Rối loạn ý thức
- Xảy ra vào ban đêm
- Đã điều trị mà không hết
Nguyên nhân đau đầu
Có 2 nhóm nguyên nhân đau đầu, nguyên phát và thứ phát.
Đau đầu thứ phát là loại có thể tìm ra nguyên nhân thực thể, và nếu trị khỏi nguyên nhân thì sẽ không còn đau đầu nữa. Nguyên nhân này có thể xuất phát từ các cơ quan vùng đầu hoặc trong cấu trúc não. Đau đầu thứ phát có thể nhẹ và kéo dài như trong bệnh lý mắt (thường gặp nhất là cận thị), tai mũi họng (viêm xoang…), nhưng cũng có thể cấp tính và/ hoặc nguy hiểm như viêm màng não (tam chứng ói nhiều-đau đầu- sốt), xuất huyết não (đau đầu dữ dội, đột ngột, có thể có yếu liệt tay chân, co giật, rối loạn ý thức), u não (đau đầu tăng dần, kèm yếu liệt tay chân, lé mắt, thay đổi giọng nói…). Đau đầu thứ phát cần được tìm nguyên nhân và điều trị sớm.
Đau đầu nguyên phát mới là là đau của đầu thực sự mà không tìm thấy nguyên nhân nào khác gây đau (tức là nếu bạn chụp Cts, MRI sọ não, đo mắt, kiểm tra tai, kiểm tra nhiễm trùng… và tất cả kết quả đều bình thường, không tìm thấy tổn thương não hay các bệnh lý mắt, tai mũi họng). Cơ chế đau đầu nguyên phát còn chưa rõ, có thể do co thắt mạch máu, thiếu và dư thừa vài chất dẫn truyền, chuyển hóa trong não…Đau đầu nguyên phát bao gồm đau đầu kiểu căng thẳng, đau đầu Migrain, đau đầu cụm.
Đau đầu nguyên phát có khi rất nhẹ, có khi dai dẳng khó điều trị, và còn đau kéo dài vài chục tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Đau đầu kiểu căng thẳng là loại đau đầu thường gặp nhất và ai cũng có thể mắc phải ít nhất một lần trong đời.
Bạn cần loại trừ các đau đầu thứ phát trước khi chẩn đoán đau đầu nguyên phát. Việc điều trị có khi chỉ giúp giảm phần nào số lượng cơn đau và kiểm soát cơn trong một thời gian. Tuy nhiên việc tuân thủ điều trị là vô cùng quan trọng. Một số yếu tố liên quan chế độ sinh hoạt làm đau đầu nặng hơn và điều chỉnh chế độ sinh hoạt giúp kiểm soát cơn đau.
Điều trị đau đầu như thế nào?
Đau đầu thứ phát cần phải được tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng hướng như đeo kính cận, điều trị viêm xoang và tránh các yếu tố gây dị ứng, điều trị nhiễm trùng, phẫu thuật lấy khối u và lấy máu tụ trong não.
Đau đầu nguyên phát có 3 phần điều trị chính: điều trị cắt cơn đau, điều trị phòng ngừa bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc (tức là thay đổi chế độ sinh hoạt ăn uống và tâm lý liệu pháp).
1. Điều trị trong cơn đau
Nằm nghỉ trong phòng tối và yên tĩnh, dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ (thường dùng là paracetamol, ibuprofen), không lạm dụng thuốc giảm đau, có thể xoa bóp vùng cổ vai gáy hay da đầu trong cơn đau.
2. Điều trị phòng ngừa bằng thuốc
Tùy theo mức độ biểu hiện, số lượng cơn đau, thời gian đau, nếu đủ tiêu chuẩn thì bác sĩ sẽ kê thuốc phòng ngừa đau đầu cho bạn. Tiêu chuẩn này khác nhau một chút ở 3 loại đau đầu nguyên phát ở trên, nhưng nhìn chung là những cơn đau dữ dội trong vài giờ, hoặc nhiều cơn dai dẳng trong tháng ảnh hưởng sinh hoạt, thời gian đau kéo dài vài tháng (vì vậy ghi chú lại tính chất cơn đau tỉ mỉ sẽ giúp bác sĩ kê thuốc đúng cho bạn. Tuy nhiên, ở trẻ em, đau đầu thường mơ hồ không điển hình và trẻ em cũng không mô tả được chính xác cơn đau). Việc điều trị kéo dài nhiều tháng, nhắc lại: “Viêc điều trị có khi chỉ giúp giảm phần nào số lượng cơn đau và kiểm soát cơn trong một thời gian. Tuy nhiên việc tuân thủ điều trị là vô cùng quan trọng”.
3. Điều trị không dùng thuốc
Đây là phần quan trọng giúp bạn kiểm soát cơn đau tốt, không mất chi phí và không chỉ giảm đau đầu mà còn đem lại cuộc sống tốt hơn về mọi mặt:
- Tránh thuốc lá, bia rượu, hạn chế sô cô la, cà phê và các thức uống có chứa caffein, hạn chế sử dụng bột ngọt (mì chính) trong nấu ăn.
- Tránh căng thẳng tâm lý, học cách thư giãn
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thay đổi lối sống: hạn chế tivi, điện tử, ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ (ngủ quá nhiều hoặc ngủ sai giấc cũng có thể đau đầu nhé).
- Tránh duy trì một tư thế trong thời gian dài như ngồi học, làm việc liên tục, thói quen dùng gối đầu quá cao, ngồi học/ làm việc sai tư thế.
Bạn có thể tìm thấy trên mạng internet rất nhiều bài tập giúp lưu thông máu lên não, giảm đau mỏi vai gáy, hoặc đơn giản là tập bất cứ môn thể dục nào bạn thích đều đặn mỗi ngày.
BSCK1 Lê Ngọc Hồng Hạnh soạn và tổng hợp từ nhiều nguồn.
(Vui lòng giữ nguyên tên tác giả nếu có trích dẫn)
Quý phụ huynh đăng ký khám bệnh với BSCK1 Lê Ngọc Hồng Hạnh qua số điện thoại trên trang Web hoặc hẹn lịch khám trên Youmed để chọn thời gian phù hợp nhất.