Theo bạn, em bé sơ sinh có biết đau không?
Câu trả lời là có, và sớm hơn nữa, em bé đã có thể cảm nhận đau từ lúc mẹ mang thai tháng thứ 5-6 rồi. Tuy nhiên vấn đề đau ở trẻ em thường bị bỏ qua do những quan niệm như: trẻ chưa phát triển đầy đủ về thần kinh, và lo lắng về tác dụng có hại của các thuốc giảm đau trên trẻ nhỏ, và bởi vì khó đánh giá mức độ đau ở trẻ nhỏ. Trẻ em có thể đối phó với đau bằng cách chơi hoặc ngủ, hoặc giấu cảm giác đau vì sợ sẽ đau nhiều hơn (ví dụ tiêm ngừa) làm chúng ta bỏ qua.
Một cử chỉ nhăn mặt, một cái nắm chặt tay, hay động tác ôm chặt ba mẹ, hay là khóc thật to là những biểu hiện đau ở trẻ. Và nếu bị xem nhẹ hoặc bỏ qua thì sao? Cảm giác về đau trong những năm đầu đời sẽ làm thay đổi toàn bộ cảm giác đau suốt cả phần đời còn lại của trẻ, có thể để lại di chứng lâu dài về phát triển thần kinh.
Nhận điện đau có thể bằng mô hình khuôn mặt của Wong-Baker, hay bằng đánh giá qua hành vi: khuôn mặt, chân, hoạt động, khóc, mức độ an ủi (thang điểm FLACC), và nhiều thang điểm khác…
Phần lớn đau có thể được phòng ngừa, điều trị hoặc giảm nhẹ một phần bằng rất nhiều biện pháp đơn giản:
❤️Dùng thuốc giảm đau theo đúng liều lượng và chỉ định, đừng lo lắng về tác dụng phụ của thuốc, quen thuộc nhất chính là paracetamol.
❤️Cung cấp thông tin về đau phù hợp với lứa tuổi và dạy trẻ các chiến lược đơn giản để đối phó đau. Khi trẻ biết được chính xác điều gì sắp xảy ra, trẻ sẽ kiểm soát đau tốt hơn, giảm sự lo lắng quá mức và giảm đau. Điều này rất thường được làm ngược lại, cha mẹ nháy mắt với bác sĩ: “bác sĩ đừng cho trẻ biết là trẻ sắp bị lấy máu xét nghiệm”, cha mẹ luôn miệng nói với trẻ: “không đau đâu con”, “không đau tí nào”. Từ bây giờ thì chúng ta làm ngược lại nhé, có thể không nhắc đến từ “đau” mà chỉ nhấn mạnh cảm giác khác như: rát chút xíu, nhói xíu thôi, kiến cắn chút xíu…
❤️Phân tán sự chú ý của trẻ vào một đối tượng khác ví dụ đồ chơi, ánh sáng, gương mặt, âm nhạc, đối với trẻ lớn thì nói chuyện với trẻ. Đề nghị trẻ hít thở sâu, hoặc đung đưa chân.
❤️Cha mẹ phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho trẻ, sự mất bình tĩnh và lo lắng của cha mẹ có thể làm tăng cảm giác đau của trẻ. Điều này không thể trách cha mẹ hoặc người chăm sóc được vì có thể trong quá khứ họ đã từng cảm nhận được nhiều cảm giác đau dữ dội và ấn tượng khó phai. Tuy nhiên cũng nên giả vờ bình tĩnh nhé, hoặc ít nhất là trung thực với trẻ: “mẹ cũng sợ đau lắm nhưng chúng ta cùng làm siêu nhân nha”
❤️Một sốt liệu pháp vật lý có thể rất có hiệu quả như: mát xa lưng, vỗ về, ôm ấp da kề da, nói thầm, xoa mặt… còn hiệu quả hơn cả uống nước đường.
❤️Uống nước đường ư? Đúng vậy, biện pháp nhỏ cuối cùng được đề cập trong bài chính là uống nước đường, uống sữa ngọt, đường ngọt, đường sucrose có thể giúp giảm đau ở trẻ sơ sinh khoảng 3-4 phút (vừa đủ để làm thủ thuật). Bởi vì đường có tác dụng an ủi tinh thần nên người lớn khi stress cũng hay ăn nhiều đồ ngọt.
❤️Đối với trẻ đã từng có ấn tượng đau trước đó, ví dụ đã từng bị tiêm ngừa, thì gặp khó khăn hơn một chút, nhưng chúng ta vẫn cố gắng áp dụng những biện pháp trên nhé.
Hiện nay trong bệnh viện đã áp dụng phổ biến chương trình đánh giá đau và cố gắng giảm đau cho trẻ, ví dụ: mỗi lần bác sĩ làm thủ thuật chọc dò tủy sống cho trẻ sẽ thoa thuốc giảm đau trước đó, nói chuyện với trẻ điều bác sĩ sắp thực hiện, vỗ về trẻ và chuẩn bị sữa ngọt. Trong lúc làm thủ thuật thì sẽ nói chuyện liên tục với trẻ, nói trẻ đếm số, hỏi đồ chơi, nếu trẻ quá kích thích có thể cho chút thuốc an thần nhẹ… tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công, đôi khi người tham gia bị trẻ cắn, siết cào tay…
😕Có một thực tế tồn tại là khi trẻ bị đau và khóc,một số cha mẹ/ông bà sẽ làm động tác đánh vào cái bàn (cái bàn làm con đau), hay thậm chí nói rằng: “đánh bác sĩ nha, bác sĩ làm con đau”, điều này làm bác sĩ đau thật. Cha mẹ đang vô tình dạy cho trẻ xu hướng đổ lỗi cho người khác, trẻ không cần chịu trách nhiệm cho điều gì, cũng không có khả năng chịu đựng đau, thậm chí còn đang xúi giục trẻ xu hướng bạo lực.
Tóm lại, trẻ em hiếu động và cũng hay bị bệnh, chắc cũng không tránh khỏi vài lần té ngã hay bị tiêm thuốc, lấy máu… hay đơn giản là tiêm ngừa, mong rằng những phương pháp trên có thể phần nào giúp cho phụ huynh biết cách xử trí trong tình huống trẻ bị đau. Trẻ cần một cái ôm, một câu nói dịu dàng để làm vơi bớt cơn đau, tuy nhiên phụ huynh đừng nên làm cho cảm giác đau trở nên nghiêm trọng, mà hãy để trẻ được cảm nhận đúng cảm giác đau và điều chỉnh cảm xúc của bản thân phù hợp nhất.
Tác giả bài viết: BS CKI Lê Ngọc Hồng Hạnh, soạn và tổng hợp từ nhiều nguồn.