Chăm sóc sức khỏe trẻ em là một phạm trù rộng, bao gồm chăm sóc về dinh dưỡng, phòng ngừa và điều trị bệnh, hỗ trợ phát triển thế chất và nhiều vấn đề khác. Để có thể chăm sóc tốt nhất cho con cái của mình, bài viết này sẽ cùng bạn tìm hiểu những điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần biết trên hành trình cùng con khôn lớn.
Chăm sóc sức khỏe trẻ em có vai trò gì?
Chăm sóc sức khỏe trẻ em là vấn đề quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ em. Bởi chỉ khi trẻ có sức khỏe, trẻ mới có thể phát triển tốt về cảm xúc, trí tuệ. Có thể nói, sức khỏe là nền tảng cho sự phát triển toàn diện ở trẻ. Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ cần bắt đầu ngay từ khi trẻ chào đời.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bao gồm:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học.
- Phòng ngừa và điều trị bệnh tật đúng cách, kịp thời.
- Khuyến khích vận động để phát triển thể chất lành mạnh, tăng đề kháng tự nhiên.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ. Việc này cũng giúp trẻ tăng sức đề kháng tự nhiên, giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu trẻ không may mắc bệnh. Không sai khi nói rằng chăm sóc cho trẻ em đúng cách và hiệu quả giúp thế hệ tương lai của chúng ta khỏe mạnh hơn.
Nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc sức khỏe trẻ em
Khi chăm sóc sức khỏe trẻ em, cha mẹ cần ghi nhớ những nguyên tắc sau:
Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp từng lứa tuổi
Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cha mẹ nên cung cấp cho trẻ những bữa ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất và cân bằng dinh dưỡng. Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong bữa ăn có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, khiến trẻ chậm phát triển về thể chất và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.
Ngủ đủ giấc và có những giấc ngủ chất lượng
Giấc ngủ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Giấc ngủ ban đêm là thời gian lượng hormone tăng trưởng được sản xuất ra nhiều nhất. Những giấc ngủ sâu cũng tốt cho trí nhớ và sự phát triển trí tuệ ở trẻ.
Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em để tăng chiều cao sẽ khác nhau tùy từng độ tuổi. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ (12 – 16 giờ/ngày). Trẻ càng lớn, nhu cầu ngủ càng giống người trưởng thành (khoảng 8 – 10 giờ/ngày).
Khám chữa bệnh kịp thời, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ
Không thể tránh khỏi những lúc trẻ bị ốm bệnh. Khi đó, cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ. Qua chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị hiệu quả. Cha mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn điều trị bệnh của bác sĩ, không tự ý bỏ ngang liệu trình dùng thuốc cũng như tự ý tăng, giảm lượng thuốc.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cha mẹ cần nắm được lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0 – 12 tuổi để cho trẻ đi tiêm đúng lịch và đủ mũi. Một số mũi tiêm quan trọng mà cha mẹ không nên bỏ qua như: Lao phổi, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi,…
Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ
Chăm sóc sức khỏe trẻ em cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh cá nhân. Trẻ cần được tắm gội sạch sẽ, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh mắt, mũi, súc miệng hàng ngày. Riêng việc rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cần được thực hiện nhiều lần trong ngày. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn và tác nhân gây bệnh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.
Kiểm soát việc dùng các thiết bị điện tử
Việc trẻ em dùng các thiết bị điện tử là không thể tránh khỏi trong xã hội hiện đại. Cha mẹ không thể cấm trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử một cách tuyệt đối nhưng cần kiểm soát chúng. Cha mẹ nên quy định rõ thời điểm và khoảng thời gian trẻ được tiếp xúc với tivi, máy tính, điện thoại,… Cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều không những ảnh hưởng đến thị lực mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ ở trẻ.
Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất
Chăm sóc sức khỏe trẻ em đúng cách cũng là khuyến khích và tạo điều kiện để con được tham gia các hoạt động thể chất đầy đủ. Vận động là cách để trẻ phát triển thể chất, thư giãn tinh thần, cải thiện tâm trạng và rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng khác. Vận động thể chất cũng giúp trẻ tăng sức đề kháng tự nhiên.
Sai lầm cần tránh khi chăm sóc sức khỏe trẻ em
Trong quá trình chăm sóc sức khỏe trẻ em, có một số sai lầm thường gặp mà các bậc cha mẹ cần tránh như:
Không cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều bà mẹ trẻ sợ rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến hình dáng cơ thể. Vì vậy, họ không cho con bú sữa mẹ mà dùng sữa công thức thay thế.
Các chuyên gia và bác sĩ trên toàn thế giới luôn khuyến cáo sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn chứa kháng thể IgG giúp tăng miễn dịch cho trẻ. Chỉ khi mẹ không đủ sữa hoặc vì các lý do khác như điều trị bệnh, mẹ dùng thuốc,… mới nên cho trẻ dùng sữa công thức thay thế.
Cho trẻ ăn dư thừa chất bổ dưỡng
Khi kinh tế ngày càng phát triển, các gia đình có điều kiện hơn nên có xu hướng chăm bẵm con cái nhiều hơn. Cách chăm sóc sức khỏe trẻ em này dẫn đến tình trạng trẻ dư thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân béo phì. Cha mẹ nên tìm hiểu các nhóm dinh dưỡng cho bé theo từng độ tuổi để xây dựng chế độ ăn phù hợp với từng trẻ.
Dùng thuốc chữa bệnh không khoa học
Đây cũng là sai lầm phổ biến của rất nhiều cha mẹ Việt. Khi thấy con có triệu chứng ốm, thường họ sẽ không đưa con đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc mà tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm bản thân. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, bỏ ngang việc uống thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Dùng thuốc không đúng chỉ định, không đủ liều có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh.
Trên đây là toàn bộ những vấn đề quan trọng nhất xoay quanh việc chăm sóc sức khỏe trẻ em. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bậc phụ huynh sẽ có cách chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất với những đứa con của mình.
Nguồn: nhathuoclongchau.com.vn